Dù thích hay không, những cái ôm là một phần của văn hóa phương Tây, mang lại sự gần gũi về mặt tình cảm và có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Nhưng ôm không đơn giản. Cánh tay nên đặt thế nào? Ôm bao lâu? Lực mạnh hay nhẹ? Khoa học đã có câu trả lời.

Bằng một thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tại Đại học London đã tìm ra thế nào là một cái ôm "hiệu quả". Đầu tiên, họ tuyển chọn 45 nữ sinh viên đại học và bịt mắt họ, từng người một. Sau đó, một nhà nghiên cứu nữ bước vào phòng và ôm người tham gia trong 1, 5 hoặc 10 giây.

Cách ôm hiệu quả

Mỗi cái ôm được thực hiện theo một trong hai cách. Cách đầu tiên là "tay đan chéo", mỗi người ôm đặt một cánh tay qua vai đối tác của họ và cánh tay còn lại dưới cánh tay của đối tác. Cách thứ hai là “thắt lưng - cổ”, một người ôm ở vị trí dưới cả hai cánh tay của người còn lại, một người ôm ở vị trí cao hơn. Tổng cộng, mỗi người tham gia nhận được sáu cái ôm.

Có vẻ như phòng thí nghiệm không phải là bối cảnh tốt nhất để nghiên cứu một cái ôm - cử chỉ thân thiết, nhưng mục đích của thử nghiệm là tìm cách cô lập các yếu tố về cách ôm trong môi trường kiểm soát, loại bỏ các yếu tố khác gây nhiễu.

Cách ôm "tay đan chéo" (trái) và cách ôm "thắt lưng - cổ" (phải).

Sau khi được ôm, các tình nguyện viên đánh giá những cái ôm kéo dài dưới 1 giây là ít thú vị nhất. Trên thang điểm niềm vui từ một đến 100, những cái ôm trong 1 giây thường chỉ được 50 điểm; những cái ôm 5 và 10 giây ghi được điểm cao hơn, khoảng 60 điểm; giữa ôm 5 giây và 10 giây không có sự khác biệt.

Trong điều kiện thử nghiệm, kiểu ôm không tạo ra sự khác biệt, nhóm nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Acta Psychologica.

Nếu cảm thấy ôm 10 giây nghe có vẻ hơi dài, thì bạn không đơn độc. Anna Düren, nhà tâm lý học tại Đại học London và là tác giả nghiên cứu, nói rằng nhóm đã rất ngạc nhiên trước phát hiện này.

Vậy điều gì xảy ra sau 10 giây? Cái ôm có trở nên thú vị hơn không? Hay nó trở nên khó xử? “Tôi muốn biết điều gì sẽ xảy ra nếu kéo dài cái ôm hơn nữa," Julian Packheiser, nhà sinh lý học tại Đại học Ruhr-University Bochum, người nghiên cứu những cái ôm vào cơ thể và não bộ nhưng không tham gia nghiên cứu lần này, cho biết.

Một yếu tố khác mà nghiên cứu không đề cập đến là lực ôm. Nên ôm mạnh hay nhẹ? Packheiser dự đoán sự thân thiết giữa những người ôm đóng một vai trò nào đó đối với lực ôm, "nếu là mối quan hệ lãng mạn, lực ôm có thể mạnh hơn so với cái ôm bình thường".

Kiểm tra thực tế

Nhóm Düren tiến hành giai đoạn hai của thử nghiệm trong thế giới thực. Họ tuyển 100 cặp sinh viên để ôm nhau ở môi trường công cộng, và thu thập dữ liệu về giới tính, chiều cao và mức độ thân thiết về mặt cảm xúc mà 100 cặp này tự đánh giá.

Kết quả, trong môi trường công cộng, ôm "tay đan chéo" lại là cách ôm phổ biến hơn, chiếm 66 trong số 100 cái ôm. Cách ôm này đặc biệt phổ biến ở các cặp hai người ôm đều là nam giới (82% trong số 28 cặp nam - nam chọn kiểu này).

Sự gần gũi về cảm xúc và chiều cao đều không ảnh hưởng đáng kể đến cách ôm.

Ảnh minh họa cách ôm "tay đan chéo", là cách ôm phổ biến và an toàn nhất trong thực tế.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy mọi người cảm thấy bình đẳng hơn khi dùng cách ôm này. Ôm "tay đan chéo" có thể truyền tải sự gần gũi mà không có ẩn ý lãng mạn, Düren nói. "Những người tham gia thường nói: ồ đúng rồi, ôm ‘thắt lưng - cổ’ tạo cảm giác thân mật hơn một chút." Nhóm nghiên cứu suy đoán xu hướng này có thể liên quan đến việc đàn ông không muốn truyền tải những tín hiệu lãng mạn đến nam giới mình đang ôm, hoặc khiến cho những người xung quanh hiểu nhầm.

Nói chung, kết quả cho thấy cái ôm an toàn nhất, dễ chịu nhất kéo dài từ 5 đến 10 giây, cánh tay của hai người ôm đan chéo vào nhau.

Nguồn: